Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Tập luyện để tránh tái phát nhồi máu cơ tim

 Việc thực hiện thường xuyên các bài tập rèn sức bền sẽ thúc đẩy sự phát triển các mạch máu mới, giúp cho quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn và giảm được nguy cơ tái phát bệnh.
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh gây tử vong cao, 25% các ca tử vong do nhồi máu cơ tim xảy ra rất nhanh trong vòng 2 giờ đầu. Trong giai đoạn hồi phục sớm - dưới 1 năm sau nhồi máu cơ tim - bệnh nhân cần áp dụng chương trình tập luyện hồi phục được kiểm soát trên xe đạp lực kế; hoặc chạy trên đường chạy chuyên dụng dưới sự theo dõi của nhân viên y tế. Thời gian tập 20-30 phút/buổi, 3-4 buổi/tuần.
Theo đà phát triển trình độ tập luyện, nâng cao chức năng của hệ thống tim mạch, bệnh nhân dần dần chuyển sang chương trình tập luyện kết hợp, 3 buổi/tuần. Trong đó, một buổi phải có sự giám sát của nhân viên y tế, 2 buổi tự tập tại nhà với các bài tập như: đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ, chạy và đi bộ luân phiên với tần số mạch tập luyện định trước.
Ảnh minh họa
Sau một năm, có thể chuyển sang chương trình tập luyện cá nhân: đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Với chương trình tập luyện hợp lý, sau vài năm, bạn sẽ đạt được hiệu quả đáng kể, giảm nguy cơ tái phát cơn nhồi máu cơ tim 2 lần so với nhóm bệnh nhân không tập luyện.
Tập luyện rèn sức bền với các bài đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ... có thể được áp dụng đối với những bệnh nhân mạch vành bị nhồi máu cơ tim. Sau một thời gian tập luyện, vùng tổn thương bắt đầu xuất hiện những mạch máu mới (phát triển tuần hoàn bàng hệ) và cơ tim dần dần được hồi phục.
Ở các trung tâm tim mạch, việc chữa trị các bệnh nhân sau khi bị nhồi máu cơ tim không thể thiếu vấn đề hồi phục sức khỏe bằng các bài tập rèn sức bền, tăng dần cường độ và thời gian. Tùy theo mức độ hồi phục của bệnh, tình trạng sức khỏe, sau 6-12 tháng, các bệnh nhân có thể và cần phải tiến hành tập luyện rèn sức khỏe. Cường độ vận động cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong các bài tập rèn sức bền thì đi bộ nhanh là phương pháp phù hợp nhất đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim vì cường độ vận động không lớn và dễ điều chỉnh liều vận động. Liều lượng tập luyện phù hợp nhất là đi bộ nhanh 5-7 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 20-40 phút, tùy tình trạng sức khỏe.
Người tập phải được học cách tự kiểm tra trạng thái của cơ thể. Nếu trong tập luyện xuất hiện cảm giác nặng ở ngực, đánh trống ngực, khó thở, mệt hay chóng mặt thì phải giảm tốc độ vận động hoặc ngừng tập ngay, đồng thời cần kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Theo Vnexpress.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons